TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐIỀU HÀNH DU LỊCH - CHUYÊN ĐỀ LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI  

Tài liệu Du Lịch
VUI LÒNG CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI TÀI LIỆU

Bài mở đầu: Giới thiệu chung về môn học
1.1. Khái niệm văn minh
1.1.1. Khái niệm văn minh
Văn minh là danh từ gốc Hán. Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh thì “văn” có nghĩa là dáng dấp bề ngoài và thường được hiểu là đẹp đẽ, tốt lành, trái với nghĩa mộc mạc, thô kệch; “minh” là sáng sủa, trong sáng, rõ ràng. Văn minh là cái tia của đạo đức phát hiện ra ở trong chính trị, pháp luật, học thuật, điển chương…Cùng với cách giải thích tương tự, “Hán Việt từ điển” của Thiều Chữ viết rằng “văn minh” là cái dấu vết đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa mà có vẻ đẹp rõ rệt, trái với dã man..
Văn minh trong các ngôn ngữ phương Tây đều có nguồn gốc từ chữ La tinh “civitas”, nghĩa là trạng thái đã được khai hóa, không còn ở trạng thái ăn lông, ở lỗ, hái lượm, nay đây mai đó mà đã định cư thành những cộng đồng, thành một quốc gia có chính quyền, pháp luật, chữ viết.
Tuy nhiên, cho đến thế kỷ XVIII, ở phương Tây văn minh mới có được nội hàm khái niệm như ngày nay. Khi bộ Từ điển Bách khoa do các nhà Khai sáng Pháp biên soạn được xuất bản thì thuật ngữ “civilisation” được hiểu một cách tương đối gần với cách hiểu của chúng ta ngày nay.
Trong nửa đầu thế kỷ XIX, văn minh được dùng để chỉ chủ nghĩa tư bản. Nhưng quan niệm này không phải là quan niệm duy nhất. Nhà xã hội học người Nga N.la.Danilevski (1822 – 1885) nêu học thuyết phân loại văn hóa (hay văn minh) chung. Theo ông, không có lịch sử toàn thế giới mà chỉ có lịch sử những nền văn minh phát triển riêng biệt mang tính chất khép kín.
Nội hàm khái niệm văn minh được xác định và bổ sung nhờ công trình “Xã hội cổ đại” của nhà xã hội học L.H.Morgan (1818 -1881). Các thành tố của khái niệm văn minh theo quan niệm của Morgan được F. Engels đề cập trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước”. Những thành tố của văn minh như sự sáng tạo ra chữ viết, công nghiệp và nghệ thuật, chế độ một vợ một chồng, sự phân chia xã hội thành giai cấp…chỉ mới được chứng minh qua 4 nền văn minh đã biết lúc đó: Ai Cập, Assyria, Hy Lạp và La Mã.
Những phát hiện khảo cổ học đầu thế kỷ XX đã phát triển và hoàn thiện khái niệm văn minh. Vào những năm 20, nhà khảo cổ học người Anh, V.Gordon Child (1892 – 1957) đưa ra định nghĩa văn minh trong phạm vi những yếu tố mà ông cho là cơ sở để chuyển từ văn hóa sang văn minh. Những yếu tố này gồm: việc phát minh ra chữ viết, ngành luyện kim,, các đơn vị đo lường tiêu chuẩn, toán học, kiến trúc, kĩ nghệ, ngoại thương, thợ thủ công chuyên nghiệp, kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng cày và sản phẩm thừa…Định nghĩa của Child mở đầu cho hàng loạt các công trình lịch sử về các nền văn minh đã từng tồn tại và phát triển.
Theo W.Durant, “xét chung thì văn minh chỉ là sự sáng tạo văn hóa nhờ một trật tự xã hội gây ra và kích thích. Nó gồm 4 yếu tố căn bản: sự phòng xa về kinh tế, sự tổ chức chính trị, những truyền thống luân lí và sự tăng tiến tri thức, phát triển nghệ thuật. Chỉ khi nào không còn sự hỗn độn, sự bất an nữa thì văn minh mới phát sinh được”. Như vậy, khái niệm văn minh chỉ sự tiến bộ xã hội, sự vươn tới một trình độ cao hơn về các mặt vật chất và tinh thần, ở đây nói lên một trật tự xã hội hợp lí cho phép con người vươn tới những đỉnh cao văn hóa. Hay có thể định nghĩa một cách khái quát hơn: văn minh là trạng thái tiến bộ trên các lĩnh vực vật chất và tinh thần của xã hội loài người, là trạng thái phát triển cao của văn hóa.
1.1.2. Phân biệt “văn minh” với “văn hóa, văn hiến và văn vật”
Văn hóa và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Sự khác nhau của văn hóa và văn minh là ở chỗ, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra từ khi con người ra đời cho đến nay, còn văn minh là những giá trị vật chất và tinh thần mà loài người sáng tạo ra ở giai đoạn phát triển cao của xã hội. Về mặt lịch sử, văn hóa có bề dày của quá khứ, còn văn minh là một lát cắt đồng đại, nó chỉ trình độ phát triển cao của văn hóa. Một dân tộc lạc  hậu vẫn có thể có một nền văn hóa phong phú, độc đáo. Bất kỳ một dân tộc nào dù mông muội hay bán khai, dù lạc hậu hay văn minh đều có văn hóa. Về mặt không gian, phạm vi của văn hóa thường mang dấu ấn một dân tộc, một vùng còn văn minh thường mang tính quốc tế (siêu dân tộc), vì những thành tựu của văn minh dễ lan tỏa hơn..
Như vây, văn minh (văn: vẻ đẹp; minh: sáng) là khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây đô thị chỉ trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương diện vật chất và mang tính quốc tế.
Theo GS Trần Ngọc Thêm, có thể phân biệt văn hóa và văn minh theo những tiêu chí sau:
Tiêu chí Văn hóa Văn minh
Tính giá trị Vật chất + Tinh thần Vật chất
Tính lịch sử Có bề dày quá khứ Lát cắt đồng đại
Phạm vi Tính dân tộc Tính quốc tế
Nguồn gốc Phương Đông nông nghiệp Phương Tây đô thị
 
* Văn hiến: (văn:vẻ đẹp; hiến: hiền tài) chỉ một nền văn hóa trong đó nếp sống tinh thần, đạo đức được coi trọng, tức là chỉ những giá trị văn hóa ở trình độ phát triển cao của xã hội. Về mặt nội hàm khái niệm, nó đồng nghĩa với văn minh. Văn minh và văn hiến là hai cách gọi, văn minh là từ hiện đại, phổ biến thống nhất trên toàn thế giới, còn văn hiến là từ cổ ít được sử dụng.
* Văn vật: ( văn: vẻ đẹp; vật: vật chất) chỉ những di sản văn hóa có số lượng các di tích lịch sử và danh nhân dồi dào như Thăng Long ngàn năm văn vật, Cố đô văn vật…
Tóm lại, khái niệm văn minh, văn hóa, văn hiến, văn vật là những khái niệm có nghĩa rất gần nhau, tùy theo từng trường  hợp cụ thể mà ta sử dụng cho chính xác, ví như đối với từng cá nhân chỉ có thể nói trình độ văn hóa mà không thể nói trình độ văn minh, còn đối với xã hội chỉ có thể nói thời đại văn minh mà không thể nói thời đại văn hóa.
Để phân  biệt các khái niệm văn minh, văn hóa, văn hiến, văn vật, có bảng so sánh sau:
VĂN VẬT VĂN HIẾN VĂN HÓA VĂN MINH
Chứa giá trị vật chất Chứa giá trị tinh thần Chứa cả giá trị vật chất lẫn tinh thần Thiên về giá trị vật chất – kỹ thuật
Có bề dày lịch sử Chỉ trình độ phát triển
Có tính dân tộc Có tính quốc tế
Gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp Gắn bó nhiều hơn với phương Tây đô thị.
 
1.1.3. Nội dung cơ bản của lịch sử văn minh thế giới
1.1.3.1.Sự tiến hóa của các nền văn minh
Lịch sử nhân loại đã trải qua ba nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh trí tuệ.
  • Văn minh nông nghiệp (văn minh gốc tự nhiên):
Tồn tại trong giai đoạn khoảng 8.000 năm TCN đến cuối thế kỷ XVI. Đây là nền văn minh đầu tiên của xã hội loài người với những đặc điểm cơ bản như: con người khai thác tự nhiên một cách thụ động nhờ có lao động cơ bắp và sức kéo của gia súc. Về kinh tế dựa vào nền kinh tế tự cung tự cấp. Đặc trưng chủ yếu của nó là lệ thuộc vào tự nhiên, môi trường địa lý và có mối liên hệ mật thiết giữa cá nhân con người với cộng đồng.
  • Văn minh công nghiệp (văn minh gốc kỹ thuật):
Chỉ hai cuộc cách mạng công nghiệp lần 1( giữa thế kỷ XVIII đến giữa XIX) và lần 2 (giữa thế kỷ XIX đến giữa XX) với những đặc trưng cơ bản sau: Con người chủ động khai thác thiên nhiên bằng sức mạnh của động cơ hơi nước, điện và năng lượng nguyên tử, sản xuất ra nguyên, nhiên liệu cần thiết phục vụ cho sự phát triển của kinh tế. Dựa vào năng lực sáng tạo của mình, con người cố gắng phá bỏ sự lệ thuộc của mình vào thiên nhiên cho phù hợp với lợi ích cộng đồng. Về kinh tế, chủ yếu là kinh tế công nghiệp và thương mại. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ trở thành nhân tố quyết định chủ yếu cho sự phát triển của xã hội.
  • Văn minh trí tuệ (văn minh gốc con người – văn minh hậu công nghiệp):
Khởi đầu từ giữa thế kỷ XX cho tới nay với cuộc CMKHKT và công nghệ mới (cách mạng kỹ thuật lần 3) đã làm đảo lộn toàn bộ cụ diện thế giới trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và giáo dục. Nền văn minh trí tuệ có những đặc điểm cơ bản sau: trí tuệ đóng vai trò trung tâm với năng lượng của nền kinh tế là thông tin. Từ đây con người có thể sử dụng tri thức của mình để chế tạo ra máy móc, thiết bị và có thể thay thế một phần chức năng điều khiển tư duy trong một số lĩnh vực có hiệu quả hơn nhiều so với bộ não con người. Con nguời là trung tâm, có trình độ độc lập về trí tuệ và tâm lý cao hơn so với hai nền văn minh trước. Nền kinh tế công nghiệp dần dần chuyển thành nền kinh tế thông tin.
1.1.3.2.Các nền văn minh lớn trên thế giới
- Văn minh phương Đông cổ đại: xuất hiện khoảng cuối thiên niên kỷ IVTCN đến những thế kỷ trước công nguyên. Có 4 trung tâm văn minh lớn là: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc.
- Văn minh phương Tây cổ đại: xuât hiện vào khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN đến năm 476. Có hai trung tâm lớn là Hy Lạp và La Mã.
- Văn minh phương Đông trung đại: từ thế kỷ III TCN đến giưa thế kỷ XIX. Có ba trung tâm lớn là: Trung Quốc, Ấn Độ và Arập. Ngoài ra còn có văn minh khu vực Đông Nam Á.
- Văn minh phương Tây trung đại: từ thế kỷ V đến thế kỷ XVI. Có khu vực Tây Âu. Sự tiến bộ của văn hóa, khoa học kỹ thuật Tây Âu biến các nước này thành các quốc gia tiên tiến về kinh tế, quân sự thời cận đại sau này. Cùng với quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân, văn minh phương Tây được truyền bá, tạo nên sự giao lưu văn hóa  - kinh tế khắp thế giới.
- Văn minh châu Mỹ cổ - trung đại: từ thế kỷ I đến thế kỷ XVI. Có ba nền văn minh tiêu biểu của người da đỏ In đi an: Văn minh May a, văn minh In ca và văn minh Azơtếch.
- Văn minh Âu – Mỹ thời cận đại: từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Sự ra đời của các quốc gia tư sản Tây Âu với trình độ tổ chức nhà nước và quản lý xã hội, những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, những học thuyết tư tưởng, kinh tế, chính trị đã biến các nước Tây Âu thành những nước tư bản đầu tiên và tiến bộ nhất trên thế giới.
- Văn minh hiện đại: từ đầu thế kỷ XX đến nay. Cuộc cách mạng vô sản Nga năm 1917 và sự xuất hiện nhà nước Xô viết Nga mở đầu cho một nền văn minh mới của nhân loại – văn minh xã hội chủ nghĩa. Giữa thế kỷ XX, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba đã đưa nhân loại bước sang một thời đại mới – thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhân loại đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
1.2. Đối tượng, nội dung, phương pháp và ý nghĩa của việc nghiên cứu, học tập môn Lịch sử văn minh thế giới.
+ Văn minh và lịch sử:
Lịch sử văn minh nhân loại là một bộ phận của lịch sử thế giới bởi vậy cần phải thấy được mối liên quan, đồng thời phân biệt được sự khác nhau giữa hai khái niệm này để từ đó xác định được đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu cho phù hợp.
Văn minh và lịch sử có sự liên quan mật thiết với nhau. Một nền văn minh nào đó chỉ được hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nền văn minh đó mang dấu ấn của hoàn cảnh lịch sử.
Lịch sử là toàn bộ hoạt động của con người trong quá khứ, đó là những hoạt động chinh phục tự nhiên và sáng tạo xã hội hay nói cách khác, đó là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và giữa con người với nhau trong xã hội. Đối tượng của lịch sử rộng lớn hơn, còn văn minh chỉ đề cập tới trình độ phát triển sản xuất, trình độ tổ chức xã hội kỹ thuật.
+Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Lịch sử văn minh thế giới:
Để xác định đối tượng nghiên cứu môn Lịch sử văn minh thế giới chúng ta phải một mặt xác định những vấn đề cốt lõi của lịch sử văn minh, mặt khác cần thấy được những phần kiến thức “giao thoa” giữa lịch sử văn minh với các khoa học khác. Sự phân biệt lịch sử văn minh với các khoa học gần gũi như lịch sử thế giới, văn hóa học, tư tưởng, pháp luật, nghệ thuật là hết sức cần thiết.
Nghiên cứu lịch sử văn minh thế giới không phải là nghiên cứu tổng số các nền văn minh thế giới cộng lại mà phải thấy được hoàn cảnh lịch sử, những điều kiện hình thành các nền văn minh đó, có quan điểm lịch sử cụ thể và biện chứng về sự phát triển, từ đó nắm được bản chất, những đặc điểm nổi bật, quy luật phát triển và ảnh hưởng, tác động qua lại giữa chúng. Thấy được, các nền văn minh không phải là “trời cho” mà là do vai trò to lớn của con người, của quần chúng nhân dân trong việc tạo nên những thành tựu văn minh nhân loại.
Văn minh là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã sáng tạo ra trong giai đoạn phát triển cao của xã hội, nên nội dung nghiên cứu của lịch sử văn minh rất rộng. Đó là trình độ phát triển kinh tế, quan hệ xã hội, tư tưởng, chữ viết, văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán, trang phục, nhà cửa cho đến khoa học, giáo dục.Lịch sử văn minh không dừng lại ở việc nghiên cứu những kiến thức rời rạc mà trình bày những nội dung cơ bản, khái quát, hệ thống các nền văn minh chủ yếu của loài người. Lịch sử văn minh còn nghiên cứu những nền văn minh cụ thể của từng dân tộc, từng nước, từng khu vực nhằm khẳng định tính phong phú, đa dạng, độc đáo của các nền văn minh và mối quan hệ, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Việc nghiên cứu và học tập lịch sử văn minh thế giới đòi hỏi vốn kiến thức rộng liên quan đến nhiều khoa học như: lịch sử, dân tộc học, triết học, văn học nghệ thuật, tôn giáo…vì vậy nếu không có phương pháp nghiên cứu và học tập đúng đắn thì không thu được kết quả tốt.
Ngoài việc vận dụng quan điểm lịch sử và quan điểm phát triển của chủ nghĩa Mác – Lê nin để hiểu được nguồn gốc (cơ sở) hình thành các nền văn minh trên thế giới, những thành tựu và sự tác động qua lại của các nền văn minh, sinh viên phải chủ động trong tư duy độc lập, tiếp thu kiến thức có hiệu quả. Song song với việc học trong giáo trình và bài giảng của thầy co giáo, sinh viên cần đọc thêm nhiều tài liệu tham khảo để bổ sung cho những kiến thức cơ bản và cô đọng mà giáo viên cung cấp cho sinh viên trên lớp.
+ Nghiên cứu và học tập bộ môn Lịch sử văn minh thế giới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc:
Thông qua việc nghiên cứu các nền văn minh kế tiếp nhau của xã hội loài người, giúp chúng ta thấy được quy luật phát triển của lịch sử có nguồn gốc sâu xa là do sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến sự thay đổi của các hình thái kinh tế xã hội, theo đấy các nấc thang của văn minh cũng được khẳng định và phát triển.
Việc nghiên cứu các nền văn minh và sự chuyển dịch của chúng qua các vùng và các thời kỳ lịch sử khác nhau, giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về những thành tựu của các nền văn minh nhân loại nói chung và sự đóng góp của mỗi nền văn minh khu vực, của mỗi dân tộc nói riêng, không tuyệt đối hóa một nền văn minh nào.
Môn lịch sử văn minh thế giới trang bị cho chúng ta nhân sinh quan đúng đắn, nâng cao lòng tự hào, biết trân trọng những giá trị tinh thần và vật chất của quá khứ, có ý thức giữ gìn và phát huy những thành tựu văn minh của loài người cũng như của từng dân tộc.
VUI LÒNG CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI TÀI LIỆU