TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐIỀU HÀNH DU LỊCH - CHUYÊN ĐỀ CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM  

Tài liệu Học Điều Hành Du lịch
VUI LÒNG CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI TÀI LIỆU

CHƯƠNG 1:
VĂN HÓA VÀ CÁC LOẠI HÌNH VĂN HÓA
1. Khái niệm văn hóa. Các đặc trưng và chức năng của văn hóa
1.1. Khái niệm văn hóa
1.1.1. Văn hóa là gì?
Thuật ngữ văn hóa xuất hiện từ rất sớm cả ở phương Tây lẫn phương Đông:
* Ở phương Tây: thuật ngữ văn hóa xuất phát từ chữ cultus của La Mã, có nghĩa là gieo trồng. Gieo trồng trên ruộng đất gọi là agri cultus, gieo trồng về tinh thần gọi là animi cultus.
Vào thế kỷ III tr CN, ở La Mã, thuật ngữ văn hóa chỉ “văn chương” hay “nhân văn”.
Vào thế kỷ XVII, các nhà triết học Anh, hiểu  “văn hóa” là tri thức.
Vào thế kỷ XIX, những nhà Nhân loại học phương Tây hiểu văn hóa là “ sự phát triển cao hay thấp” của con người, cộng đồng người.
Đầu thế kỷ XX, khái niệm văn hóa lại hiểu là “sự khác nhau” giữa các cá nhân hay các dân tộc.
* Ở phương Đông:
Ở Trung Hoa: khái niệm văn hóa lần đầu tiên xuất hiện trong sách vở Trung Hoa vào đời Hán. Lưu Hướng (77- 6 trCN), đời Tây Hán cho rằng văn hóa nghĩa là “văn trị giáo hóa”, chỉ hình thức cai trị đẹp đẽ. Đến đời Tống, văn hóa lại được hiểu là “lễ, nhạc, điển, chương”
Ở nước ta: trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức (trình độ văn hóa), lối sống (nếp sống văn hóa), theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ văn minh của một giai đoạn (văn hóa Đông Sơn,…)
1.1.2. Các định nghĩa khác nhau về văn hóa
Hiện nay đã có hơn 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Sự phong phú này phản ánh những hướng quan tâm khác nhau đến hiện tượng văn hóa, một hiện tượng mà bản thân nó có tính chất hết sức đa dạng và phức tạp. Biểu hiện:
E.B. Taylor định nghĩa văn hóa  như một “phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng. nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, cũng như mọi khả năng và thói quan khác mà con người như một thành viên của xã hội tiếp thu được”.
UNESCO định nghĩa văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, các hoạt động sáng tạo đó hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. (F.M Zaragoza – Tổng Giám đốc UNESCO, “Một thấp kỷ phát triển văn hóa”).
Trần Ngọc Thêm, văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.
G.Ferraro, văn hóa là phong cách, cách thức sinh sống của một cộng đồng hay tất cả những gì con người có, con người nghĩa và con người làm với tư cách là một thành viên của xã hội.
Theo đó 3 thành tố cấu thành của văn hóa là:
Con người có: các yếu tố thiên về vật chất
Con người nghĩ: ý tưởng, giá trị, niềm tin, quan điểm hay chuẩn mực
Con người làm: các mẫu hành vi
Thành tố 1 và 3 thường là biểu hiện cụ thể của thành tố 2.
1.1.3. Văn hóa và các khái niệm có liên quan
          * Văn minh:
Văn hóa và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Sự khác nhau của văn hóa và văn minh là ở chỗ, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra từ khi con người ra đời cho đến nay, còn văn minh là những giá trị vật chất và tinh thần mà loài người sáng tạo ra ở giai đoạn phát triển cao của xã hội. Về mặt lịch sử, văn hóa có bề dày của quá khứ, còn văn minh là một lát cắt đồng đại, nó chỉ trình độ phát triển cao của văn hóa. Một dân tộc lạc  hậu vẫn có thể có một nền văn hóa phong phú, độc đáo. Bất kỳ một dân tộc nào dù mông muội hay bán khai, dù lạc hậu hay văn minh đều có văn hóa. Về mặt không gian, phạm vi của văn hóa thường mang dấu ấn một dân tộc, một vùng còn văn minh thường mang tính quốc tế (siêu dân tộc), vì những thành tựu của văn minh dễ lan tỏa hơn..
Như vây, văn minh (văn: vẻ đẹp; minh: sáng) là khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây đô thị chỉ trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương diện vật chất và mang tính quốc tế.